Dù đóng tàu chưa đạt kế hoạch, nhưng đây là những con số khá khả quan.
Xác lập chiến lược dài hạn cho đóng tàu
Theo báo cáo từ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), trong năm 2018, giá trị lĩnh vực đóng tàu đạt hơn 3.071 tỷ đồng, bằng 69% kế hoạch. Các lĩnh vực khác đều tăng khá, như: Sửa chữa tàu đạt 488,3 tỷ đồng, bằng 125% kế hoạch; công nghiệp phụ trợ đạt 264,5 tỷ đồng, bằng 123% kế hoạch.
Dù đóng tàu chưa đạt kế hoạch, nhưng nếu nhìn lại khoảng thời gian từ năm 2008 đến nay, lĩnh vực này luôn trong tình cảnh lao đao và sụt giảm không đáy vì thiếu việc thì đây là những con số khá khả quan.
Ông Đỗ Thành Hưng, Thành viên HĐTV SBIC nhận định, nguyên nhân sụt giảm là do ngành vận tải biển và đóng tàu thế giới đã trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn bởi ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008 đến nay. Ngành công nghiệp đóng tàu và vận tải biển Việt Nam cũng không nằm ngoài tình trạng đó.
Trong khuôn khổ chương trình triển lãm quốc tế lần thứ 9 về công nghệ đóng tàu, hàng hải và công trình biển - Vietship 2018 do SBIC tổ chức từ 24-26/1, đã có 12 hợp đồng được ký kết giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước về đóng mới các loại tàu và hỗ trợ trong công tác đào tạo, các lĩnh vực liên quan đến tàu biển. Các hợp đồng được ký kết là đóng mới các loại tàu như: Tàu du lịch, sà lan, tàu cá, tàu chở dầu… của các doanh nghiệp đóng tàu hàng đầu Việt Nam với các doanh nghiệp đóng tàu của các quốc gia như: Hàn Quốc, Hà Lan, Nga…
PSG. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN cho biết, Việt Nam chưa định hình một tư duy phát triển mới, một chiến lược tổng thể về kinh tế biển. Trong đó, ngành đóng tàu và hàng hải phải giữ vai trò đặc biệt quan trọng. “Để ngành đóng tàu phát triển, rất cần các chính sách đặc thù, với các địa chỉ hỗ trợ cụ thể, là các chương trình phát triển ngành đóng tàu được thiết kế tốt, có tầm nhìn xa”, PGS. TS. Trần Đình Thiên nói.
Dẫn chứng kinh nghiệm phát triển ngành đóng tàu tại một số nước trong khu vực, PGS. TS. Trần Đình Thiên cho rằng, cần xác lập đúng chiến lược tầm nhìn dài hạn (30-50 năm) cho phát triển của toàn bộ ngành công nghiệp tàu thủy quốc gia; sử dụng tối ưu và khai thác hiệu quả tổng thể các nguồn lực; phối hợp thống nhất, kết nối mọi doanh nghiệp liên quan tới công nghiệp tàu thủy như SBIC, các cơ sở đóng tàu quân đội, các nhà máy đóng tàu của PVN và cả các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa. Trong đó, có những chính sách tập trung để phát triển SBIC làm nòng cốt lĩnh vực công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu biển.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công, Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài, nằm trên tuyến hàng hải quan trọng nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Đồng thời, có vị trí địa lý tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Trong đó, công nghiệp tàu thủy là bộ phận rất quan trọng của nền kinh tế hàng hải, sử dụng nhiều lao động và ứng dụng các công nghệ tiên tiến. Vì vậy, cần được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, đặc biệt có nhiều chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước kinh doanh.
Vận tải biểnphục hồi, cơ hội lớn cho đóng tàu
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Tùng Lâm, Phó tổng giám đốc SBIC cho biết, thị trường vận tải biển trong năm 2017 có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Sự phục hồi này của vận tải biển là cơ hội cho ngành đóng tàu vì khi đó mới có sửa chữa, nâng cấp, đóng mới để đáp ứng nhu cầu vận tải.
Năm 2018 và 2019, nhất là năm 2020, một loạt công ước áp dụng mới cho tàu biển sẽ khe khắt hơn như các quy định mới của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) hay Hội đồng châu Âu về giám sát, báo cáo và thẩm tra phát thải dioxit cacbon (CO2) từ vận tải biển (gọi tắt là “EU MRV”) quy định nghiêm ngặt điều kiện vận hành của tàu biển về chỉ số giảm phát thải CO2, quản lý hiệu quả năng lượng, quản lý nước dằn tàu…
“Điều này khiến cạnh tranh trong vận tải biển sẽ khắc nghiệt hơn, đòi hỏi các nhà vận tải hàng hải phải đổi mới đội tàu, đóng tàu mới hoặc sửa chữa, nâng cấp tàu biển để đáp ứng các quy định mới này, từ đó mở ra cơ hội cho ngành đóng tàu thế giới cũng như Việt Nam”, ông Lâm nói và cho biết thêm, năm 2017 SBIC đã dành được các hợp đồng đóng series tàu dầu, hóa chất 6.500 tấn cho chủ tàu Hàn Quốc, hiện đang đàm phán tiếp với đối tác Hàn Quốc về đóng tàu trên 10.000 tấn, mở ra hướng mới trong đóng tàu xuất khẩu… Ngoài ra, là thị trường nội địa với các dòng sản phẩm tàu cá, tàu du lịch…
Liên quan đến thị trường tàu cá trong nước, ông Phạm Ngọc Tuấn, Vụ phó Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện các tàu cá của Việt Nam đều được đóng bằng gỗ, chỉ có 332 tàu vỏ thép và 115 tàu được đóng bằng vật liệu composite. Do đó, tuổi thọ và độ an toàn của tàu thường thấp, khả năng cơ giới hóa các khâu sản xuất trên tàu cũng bị hạn chế, ảnh hưởng lớn đến sản lượng và khả năng khai thác xa bờ. Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có định hướng hiện đại hóa đội tàu khai thác hải sản, trong đó hướng tới thay thế dần các tàu vỏ gỗ bằng tàu vỏ thép hoặc vật liệu hiện đại.
“Bộ cũng sẽ ban hành các tiêu chí quy định việc đóng mới tàu cá, trong đó không cấp giấy phép đóng mới tàu lưới kéo. Tàu đóng mới phải đáp ứng các quy định về hầm bảo quản, trang thiết bị trên tàu. Đó cũng là cơ hội lớn cho ngành đóng tàu trong những năm tới”, ông Tuấn nói.